Giới thiệu giáo trình ” Phát Triển Kinh Tế Số Bền Vững – Học Liệu Số Ebooks PDF ”
PHẦN 1: CÁC VẤN ĐỀ TỔNG QUAN VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ BỀN VỮNG
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ ASEAN HẬU COVID 19
Tóm tắt: Là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhờ vào định hướng phát triển kinh tế số, kinh tế số ASEAN không chỉ là “bệ phóng” cho tăng trưởng kinh tế mà còn là cơ sở thúc đẩy kết nối ASEAN với các nước đối tác trong và ngoài khu vực. Dự báo, kinh tế số Đông Nam Á có thể đạt tới 1 nghìn tỷ USD năm 2030. Tiềm năng phát triển kinh tế số của ASEAN được các chuyên gia đánh giá rất lớn khi khu vực hiện có khoảng 440 triệu người dùng internet. Bài viết tìm hiểu khái niệm kinh tế số, phân tích thực trạng phát triển kinh tế số ASEAN trong bối cảnh hậu Covid 19, từ đó, đề xuất 6 giải pháp phát triển kinh tế số của ASEAN hậu Covid 19. Cuối cùng, bài viết đưa ra những đánh giá triển vọng phát triển kinh tế số ASEAN dựa trên một số nhân tố tích cực trong khu vực.
Từ khoá: kinh tế số, thực trạng, giải pháp, triển vọng, ASEAN
Kinh tế số (Digital economy) là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số. Ở các nước ASEAN, kinh tế số không chỉ là “bệ phóng” cho tăng trưởng kinh tế mà còn là cơ sở thúc đẩy kết nối ASEAN với các nước đối tác trong và ngoài khu vực. Kinh tế số ASEAN đang phát triển mạnh, có tiềm năng trở thành một trong năm nền kinh tế số hàng đầu. Thị trường kỹ thuật số ASEAN đã tăng gấp ba lần giai đoạn (2017-2020). Tiềm năng phát triển kinh tế số của các nước ASEAN được các chuyên gia kinh tế đánh giá là rất lớn khi khu vực hiện có khoảng 440 triệu người dùng internet. Trong ASEAN-6, Kinh tế internet đạt tổng giá trị hàng hóa 174 tỷ USD (2021). Dự báo đạt 360 tỷ USD (2025) và 700-1000 tỷ USD (2030) [19].
1. Kinh tế số ASEAN: Khái niệm và thực trạng phát triển.
Kinh tế số là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số. Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật).
Kinh tế số gồm những lĩnh vực kinh doanh cơ bản: thương mại điện tử (e-commerce); dịch vụ du lịch trực tuyến (online travel services); dịch vụ gọi xe online (online car call services); dịch vụ viễn thông (telecommunication services); dịch vụ thanh toán trực tuyến (online payment services); y tế kỹ thuật số (health tech) và giáo dục kỹ thuật số (Ed. Tech). Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh, tác động rất lớn đến bức tranh kinh tế toàn cầu, hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều đưa ra chiến lược phát triển công nghệ số, trong đó chú trọng việc nghiên cứu áp dụng công nghệ mới vào tăng trưởng kinh tế.
Năm 2019, kinh tế số của ASEAN lần đầu tiên chạm ngưỡng 100 tỷ. Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan có mức tăng trưởng kinh tế số đạt trung bình 20 30%/năm, trong đó, hai quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN là Indonesia và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hơn 40%/năm (2020). Quy mô kinh tế số Việt Nam thậm chí có thể đạt 43 tỷ USD năm 2025 và sẽ tăng trưởng nóng nhất trong các lĩnh vực gồm thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Thương mại điện tử đang là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất. Giá trị của ngành thương mại điện tử Đông Nam Á đạt 35 tỷ USD (2019), tăng gấp 7 lần so với chỉ 5 tỷ USD (2015). Thương mại điện tử Thái Lan đạt tốc độ tăng trưởng kép trong 4 năm liên tiếp (2015-2019) và dự kiến sẽ đạt 13 tỷ USD năm 2025, so với 3 tỷ USD năm 2018.
Đối với thương mại điện tử, Việt Nam chỉ xếp sau Indonesia về quy mô thị trường, vượt Thái Lan. Hơn 150 triệu người Đông Nam Á hiện đang thực hiện giao dịch thương mại qua mạng. Năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%; gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%; tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%. Dự báo, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2020-2025 sẽ là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử đạt 52 tỷ USD [20]. Triển vọng của Việt Nam trong nền kinh tế số hóa và lĩnh vực thương mại điện tử rất lớn. Với một quốc gia có 70% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao smartphone, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới.
Không chỉ thương mại điện tử, thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ tại Đông Nam Á cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện có tới 40 triệu người (2019) gọi xe, đặt thức ăn và sử dụng các dịch vụ khác theo nhu cầu, so với chỉ 8 triệu người năm 2015. Triển vọng, quy mô ngành thương mại điện tử của ASEAN sẽ chạm mốc 150 tỷ USD năm 2025. Đông Nam Á có tới 3 quốc gia (Philippines, Thái Lan và Indonesia) nằm trong top 5 dẫn đầu thế giới về chỉ số sử dụng Internet.