Giới thiệu giáo trình ” Giáo Trình Cấu Tạo Kiến Trúc Nội Thất ”
Chương 1. KHÁI NIỆM VỀ CẤU TẠO KIẾN TRÚC NỘI THẤT
Mục tiêu:
– Trang bị các khái niệm cơ bản về hình thái không gian kiến trúc nội thất.
Học sinh nắm được khái niệm về không gian nội thất, chức năng và yêu cầu của cấu tạo kiến trúc nội thất.
PHẦN 1: KHÁI NIỆM CHUNG VỀ KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC NỘI THẤT
I. KHÁI NIỆM VỀ KIẾN TRÚC
1. Định nghĩa kiến trúc
Kiến trúc là khoa học và nghệ thuật xây dựng công trình, trang hoàng nhà cửa và tổ chức không gian sống. Kiến trúc được xem như là một lĩnh vực hoạt động sáng tạo chủ yếu của con người từ khi có xã hội loài người, nhằm cải tạo hoặc kiến tạo mới môi trường sống phục vụ các quá trình sống của con người và xã hội. Mục đích của kiến trúc là kiến tạo một “thiên nhiên thứ hai” có tổ chức bên cạnh “thiên nhiên thứ nhất” hoang dã và tự nhiên. Và người ta chỉ công nhận là kiến trúc các “không gian – hình khối” có tác động của bàn tay con người nhằm thoả mãn các mục đích yêu cầu vật chất và tinh thần, vì nhu cầu thực dụng trên nguyên tắc hợp lý, khoa học trên tinh thần của cái đẹp, của mỹ cảm sáng tạo nghệ thuật.
Vậy Kiến trúc chính là nghệ thuật sáng tạo “không gian – hình khối”, là tổ chức cuộc sống thông qua các quá trình sống diễn ra trong những không gian cụ thể, tại những thời điểm và hoàn cảnh xã hội lịch sử cụ thể, sau còn phải là khoa học, vì mục đích chất lượng yêu cầu sử dụng, vì tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cuộc sống.
2. Ba yếu tố tạo thành kiến trúc
Cũng là sản phẩm vật chất của một quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật, nhưng tác phẩm kiến trúc không giống những sản phẩm nghệ thuật khác (hội hoạ, âm nhạc, điêu khắc, văn học…), nó vừa là một thực thể vật chất vì mục đích thực dụng, vừa là sản phẩm nghệ thuật vì mục đích thoả mãn các nhu cầu tình cảm, tỉnh thần của con người và xã hội. Vì thế nó vừa là hiện thực cuộc sống nhưng đồng thời lại phản ánh cuộc sống theo cách riêng của nó.
Sản phẩm nghệ thuật kiến trúc khác với sản phẩm nghệ thuật khác chính là ở đặc thù các yếu tố tạo thành nó, cái đã khẳng định bản chất riêng, tức là đặc điểm, những chức năng và yêu cầu của kiến trúc.
Có ba yếu tố tạo thành kiến trúc:
Công năng (yêu cầu tiện nghi).
Sự hoàn thiện kỹ thuật (điều kiện vật liệu, kết cấu, kỹ thuật xây dựng).
Hình tượng nghệ thuật (yêu cầu thẩm mỹ).
II. KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC NỘI THẤT
1. Khái niệm chung về không gian kiến trúc
Con người sống giữa lòng thiên nhiên trong không gian rộng lớn được gọi là môi trường sống (môi sinh) nhưng chỉ những không gian được tạo lập có bàn tay can thiệp của con người, do sự sáng tạo của kiến trúc sư mới gọi là không gian kiến trúc. Một công trình hay quần thể công trình, không gian kiến trúc có thể là những không gian kín, nửa kín (nội thất) hay thoáng hở (ngoại thất), gồm có không gian cận cảnh (ngoại thất sát kề công trình), không gian viễn cảnh (ngoại thất ngoài tầm ảnh hưởng của công năng nhưng có đóng góp cho cảnh quan khu vực). Không gian kiến trúc vì thế phải có yêu cầu chức năng, có tính mục đích (vì một công năng cụ thể liên quan đến một hoặc nhiều hoạt động của con người).
2. Không gian kiến trúc nội thất
Các không gian kiến trúc nội thất kín thường được tạo nên nhờ kết cấu bao che (tường, cửa, sàn, mái) ở cả sáu mặt, tạo nên hình khối kiến trúc, các không gian nội thất hở (nửa kín) thường có một vài mặt che được giải phóng hay che chắn không gian không hoàn toàn như các hiên, loggia, sân trời có giàn hoa, các mái che, quán nghỉ lộng gió. Các không gian hở thường là các sân thoáng nội tâm (sân trong), những khoảng trống giữa các công trình, những không gian ước lệ, ảo hay ẩn dụ được giới hạn bởi chủ thể kiến trúc, một biểu tượng (quanh một đài kỷ niệm, một hòn đá thiêng, một cột mốc, một vũng nước, một mảng tường có ý nghĩa). Trong kiến trúc nội thất, không gian thường đi liền với hình khối, vì thế kiến trúc được gọi là nghệ thuật tổ chức “Không gian -hình khối”, tổ chức môi trường sống cho con người. Không gian kiến trúc nội thất được phân loại thành:
Không gian chính
Không gian phụ
Không gian giao thông
Việc lựa chọn kích thước hợp cho từng loại không gian kiến trúc phải căn cứ trên kích thước con người và kích thước trang bị phục vụ hoạt động công năng cùng dây chuyển sử dụng (quá trình sống) diễn ra trong không gian đó.
PHẦN 2: KHÁI NIỆM VỀ CẤU TẠO KIẾN TRÚC NỘI THẤT
1. CHỨC NĂNG VÀ YÊU CẦU CỦA CẤU TẠO KIẾN TRÚC NỘI THẤT
1. Cấu tạo kiến trúc nội thất đáp ứng công năng sử dụng
Kiến trúc nội thất phục vụ con người, vì thế việc tổ chức không gian kiến trúc phải đáp ứng trước hết vào các yêu cầu hoạt động của con người được quy định căn cứ trên các chỉ số trung bình của nhân trắc học (hình thái học về con người Việt Nam). Các tiêu chuẩn thiết kế châu Âu căn cứ vào số liệu của con người, nam cao 1,75m, nữ cao 1,65m trong khi Việt Nam dựa vào người nam cao 1,65m và nữ cao 1,55m. Các chỉ số “nhân trắc học” thường là những số đo trong trạng thái tĩnh các tư thế và không gian hoạt động để tạo sự thoải mái và thích ứng, phù hợp với hoạt động sống. Kích thước của trang thiết bị phải được xác định có sự lưu ý đến kích thước của con người. Kích thước của đồ đạc phụ thuộc vào kích thước của con người. Chẳng hạn, bàn trong bếp dùng để đứng làm việc khi chuẩn bị bữa ăn phải cao 0,85m; còn bàn cho người lớn ngồi làm việc thì cao 0,78m; chiều cao tối đa của giá sách bằng 2,25m là phù hợp với kích thước người với tay lên lấy sách một cách dễ dàng. Chiều cao của tủ áo nên làm cao ở mức vừa tẩm sử dụng khi đứng ngay trên sàn nhà. Cũng nên chú ý đến những điều tưởng như nhỏ nhặt trong cấu tạo của bản thân trang thiết bị, chẳng hạn như phía dưới tủ hoặc bàn được dự tính cho người đứng làm việc thì phải thụt vào một chút để chỗ cho đầu bàn chân khi đứng gần. Tương tự thế, vị trí nút bấm, lỗ cắm,… cũng cần được xác định phù hợp với kích thước con người để tiện sử dụng. Kích thước của phòng nói chung được quyết định theo điều kiện bố trí người và trang thiết bị, vì vậy cần phải xác định được:
Quá trình chức năng dự kiến sẽ diễn ra trong phòng và tất cả các khả năng của nó.
Kích thước và số lượng trang thiết bị cho người sử dụng và tổ hợp trang thiết bị.
Không gian diện tích cần thiết cho một người và trang thiết bị phục vụ cho một người.
Tổ hợp toàn bộ trang thiết bị một cách hợp lý nhất có tính đến diện tích cần thiết cho người làm việc và diện tích cần thiết để đến chỗ làm việc, kiểm tra thiết bị tại chỗ (nếu cần).