Giới thiệu giáo trình ” Giáo Trình Các Lý Thuyết Phát Triển Tâm Lý Người “
1.3. Quan điểm tiếp cận nghiên cứu ứng dụng các lí thuyết phát triển tâm língười trong bối cảnh tiến hoá của tri thức khoa học
Hầu hết các lí thuyết tâm lí học, trong đó có các lí thuyết phát triển tâm lí ra đời vào nửa đầu thế kỉ XX. Chỉ số ít được hình thành và phát triển những năm sau này, trên nền tảng những lí thuyết đã có. Giống với các lí thuyết trong những lĩnh vực khoa học khác, ra đời từ nửa đầu thế kỉ XX, nhiều lí thuyết về sự phát triển tâm lí người được hình thành chủ yếu bởi khuôn mẫu tư duy cơ giới. Trong khi đó, từ những thập niên cuối thế kỉ XX, đã có sự chuyển dịch khuôn mẫu tư duy cơ giới sang tư duy hệ thống và quan điểm hệ thống ngày càng chiếm ưu thế trong nghiên cứu khoa học cũng như trong thực tiễn. Điều này đặt ra vấn đề có tính chất phương pháp luận: nghiên cứu ứng dụng và phát triển các lí thuyết tâm lí học phải theo quan điểm lịch sử. Có nghĩa là, nghiên cứu, phân tích, đánh giá một lí thuyết tâm lí phải đặt nó trong bối cảnh của nó, còn việc khai thác và ứng dụng phải tính đến bối cảnh hiện tại, với sự tiến bộ của khoa học hiện đại.
1.3.1. Tư duy cơ giới, ảnh hưởng của tư duy cơ giới tới sự phát triển nhận thức khoa học và thực tiễn
1.3.1.1. Tư duy cơ giới
Tư duy cơ giới là tư duy sử dụng phương pháp phân tích để hiểu đối tượng, theo hướng chia đối tượng (sự vật, hiện tượng) thành các cấu phần riêng, nghiên cứu từng phần cô lập nhau và rút ra kết luận về cái toàn thể. Người có ảnh hưởng lớn nhất tới việc định hình và phát triển tư duy cơ giới là R. Descartes.
Đặc trưng của tư duy cơ giới:
Tư duy cơ giới là tư duy dựa trên quan điểm quyết định luận máy móc. Quan điểm quyết định luận máy móc là xem xét mọi sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ “nhân – quả”. Theo đó, mọi sự vật, hiện tượng xảy ra đều có nguyên nhân trước đó. Đồng thời, chính bản thân sự vật, hiện tượng này là nguyên nhân dẫn đến hình thành sự vật, hiện tượng khác. Từ đó, hình thành và phổ biến khuôn mẫu tư duy nhân quả tuyến tính: “Nếu … thì …”.
Nguyên lí của tư duy cơ giới là chia vấn đề thành các thành phần nhỏ, nghiên cứu từng phần cô lập theo logic tuyến tính, từ đó lần ngược lên các bậc cao hơn để hiểu đối tượng (quy tắc Descartes¹). Những tri thức thu được từ tư duy cơ giới đều phải có tính đúng đắn một cách chắc chắn, logic, với giá trị nhị nguyên về tính chân lí. Trong đó, mọi phán đoán đều phải hoặc đúng hoặc sai và phải được phân biệt rạch ròi.
Phương pháp chủ yếu của tư duy cơ giới là phân tích nhân tố và phán đoán. Các nội và ngoại quan hệ của đối tượng nhận thức được quy giản về các quan hệ nhân quả tuyến tính (nếu … thì …). Các mô hình toán học được sử dụng để mô tả các quan hệ của đối tượng thích hợp với quan điểm phân tích. Vì thế các mô hình tuyến tính (mô hình cấu trúc) trở thành phổ biến. Từ đó hình thành nếp tư duy tuyến tính và sự quy giản đối tượng về các quan hệ tuyến tính.
1.3.1.2. Ảnh hưởng của tư duy cơ giới đến nhận thức khoa học và thực tiễn
Trong suốt mấy thế kỉ, nhờ khuôn mẫu tư duy cơ giới đã hình thành và phát triển nền sản xuất công nghiệp, với hàng triệu phát minh kĩ thuật và công nghệ. Tất cả kĩ thuật, công nghệ và máy móc mà con người đã tạo ra đều hoạt động theo nguyên lí và định luật mang tính quyết định, tuân thủ các quy tắc định lượng chính xác. Nếu trong nhận thức của con người không có khuôn mẫu và năng lực tư duy như vậy thì không thể có các thành tựu kĩ thuật, công nghệ và máy móc hiện nay.
Mặt khác, tư duy cơ giới đã thâm nhập và ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển nhận thức khoa học, tới mức tư duy cơ giới đồng nghĩa với tư duy khoa học. Nói tới phát triển tư duy khoa học là nói tới sự phát triển năng lực phân tích, phán đoán, suy luận và tổng hợp, quy nạp và diễn dịch… Thậm chí, tư duy cơ giới ăn sâu vào tư duy xã hội. Cách nhìn đối tượng như một “bộ máy”, vận hành theo các nguyên tắc cơ giới, tuân theo các định luật nhân quả mang tính quyết định và nhị nguyên là cách nhìn phổ biến trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hình ảnh ẩn dụ “bộ máy” trở thành quen thuộc trong mọi liên tưởng, người ta nói đến bộ máy hành chính, bộ máy quản lí, bộ máy lãnh đạo, bộ máy hô hấp, tuần hoàn, bộ máy tâm lí…
Phương pháp thực nghiệm, phân tích và phán đoán đã giúp nghiên cứu ngày càng sâu hơn các thành phần cơ bản của đối tượng nhận thức; đã giúp nhân loại hiểu biết sâu sắc về cấu trúc của các thành phần cơ bản trong nhiều loại đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, tư duy cơ giới đã kích thích sự phát triển phương pháp mô hình hoá, mô tả các mối quan hệ giữa các thành phần liên quan của đối tượng.
Như vậy, tư duy cơ giới đã tác động tích cực đến sự phát triển nhận thức của nhiều ngành khoa học, đưa các ngành đó vượt ra khỏi giới hạn của các phương pháp quan sát và mô tả thông thường, để tiếp cận khả năng được “lí thuyết hoá” và phát triển bằng các công cụ của suy luận diễn dịch.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều lí thuyết phát triển tâm lí người đã được ra đời và in đậm dấu ấn của tư duy cơ giới.