Giới thiệu giáo trình ” Giáo Trình Bồi Dưỡng Hiệu Trưởng Trường Trung Học Cơ Sở Tập 2 “
III. ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ CỦA TẬP THỂ
1. Khái niệm về tập thể, phân biệt tập thể với nhóm
Quá trình lao động không phải là một tổng số giản đơn những hoạt động song song và độc lập với nhau do những cá nhân tách rời nhau tiến hành. Một đặc trưng cơ bản của quá trình đó là mối liên hệ và tác động qua lại của những người làm việc cùng tham gia vào quá trình đó. Quá trình đó thể hiện ra như là hoạt động phối hợp của những người liên hiệp lại trong các nhóm làm việc và các tập thể lao động lớn hơn. Nhờ sự liên hiệp ấy mà tạo ra được những khả năng mới trong việc giải quyết các nhiệm vụ cụ thể mà kết quả lao động trở thành kết quả tổng hợp.
Về khía cạnh quản lý, vấn đề tập thể thể hiện trên hai giác độ. Một mặt tập thể lao động là đối tượng quản lý, do đó cần phải biết các tính quy luật của sự hình thành và hoạt động của tập thể, cơ cấu và động thái của nó trong mỗi trường hợp cụ thể để tìm ra những phương tiện có hiệu quả nhất tác động đến nó. Mặt khác bản thân hoạt động quản lý trong những điều kiện hiện đại cũng là một hoạt động, tức là tập thể đóng vai trò chủ thể quản lý, do vậy cần có những hiểu biết tương ứng để biết tác động quản lý hình thành như thế nào, nó phụ thuộc vào những đặc điểm gì và những điều kiện nào tác động qua lại đến mọi người và cũng có nghĩa là xác định những phương thức hoạt động phối hợp hợp lý nhất. Chúng ta quen sống và làm việc trong tập thể, quen dùng từ “tập thể”, nhưng ít người chú ý đến định nghĩa tập thể là gì.
Khái niệm tập thể khác với khái niệm khác như đám đông, nhóm, phường hội. Nhóm là một tập hợp gồm những người nào đó. Xã hội có nhiều loại nhóm, phân biệt với nhau nhờ các loại dấu hiệu như: Mục đích và nội dung hoạt động (nhóm lao động, nhóm học tập). Phương thức tập hợp (nhóm sản xuất, nhóm sinh hoạt, v.v…). Về hình thức tổ chức và xuất hiện (nhóm thực tế, nhóm chính thức, nhóm không chính thức…).
Theo tính chất và mức độ tiếp xúc, theo tính chất trực tiếp của các quan hệ của những thành viên của nhóm đối với mỗi cá nhân (nhóm trực tiếp và nhóm gián tiếp). Song dấu hiệu bản chất nhất của nhóm là vai trò của chúng trong đời sống xã hội và liên quan với nó là mức độ rộng lớn của nó. Dựa theo các dấu hiệu này người ta phân thành các nhóm xã hội lớn và các nhóm xã hội nhỏ như:
+ Các nhóm xã hội lớn là các giai cấp, tầng lớp, các nhóm chính trị, đảng phái, nghiệp đoàn… các dân tộc, các liên hiệp và cộng đồng khác.
+ Các nhóm nhỏ là phân xưởng, lớp học, đội sản xuất.
– Nhóm là một khái niệm rộng hơn tập thể. Không phải bất cứ nhóm nào cũng là một tập thể. Dấu hiệu bản chất của tập thể là ở chỗ nhóm có những mục đích có ý nghĩa xã hội. Nhưng nhóm nào mà mục đích của nó chỉ do quyền lợi nội bộ nhóm thì người ta gọi đó là phường hội. Tập thể là nhóm lao động được tập hợp bởi mục tiêu chung, hành động chung, có tổ chức, có cơ quan quản lý, có kỷ luật và trách nhiệm.
– Sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã tạo ra một tập thể kiểu mới, tập thể xã hội chủ nghĩa. Ở đó sinh những quan hệ hợp tác và tương trợ, quản lý dân chủ, sự thống nhất giữa mục tiêu và quyền lợi cơ bản của cá nhân và xã hội, không khí tâm lý – xã hội lành mạnh. Không thể nào đối lập những nhiệm vụ của tập thể với nhiệm vụ phát triển con người. Tất nhiên, bất cứ một tập thể nào cũng không thể hoàn toàn đảm bảo sự phát triển toàn diện của cá nhân và đáp ứng những yêu cầu vật chất của họ. Song nó có thể tận dụng mọi khả năng để giải quyết những nhiệm vụ đó.
– Đứng về mặt tâm lý – xã hội, tập thể lao động là một cơ thể phức tạp và các đặc trưng khác nhau của nó có thể ảnh hưởng tiêu cực và tích cực tới một nhóm đông người và tới mỗi cá nhân trong tập thể đó. Người lãnh đạo ở bất cứ cấp quản lý nào cũng cần biết tâm lý – xã hội và ảnh hưởng của nó đến cơ cấu của tập thể và sự hình thành tập thể.
2. Bản chất của tâm lý tập thể
Đây là một phức hợp những hiện tượng tâm lý – xã hội trong nội bộ tập thể, là một mặt của đời sống tinh thần của tập thể. Phải đứng trên lập trường của chú nghĩa Mác – Lênin về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội mới hiểu đúng dẫn bản chất của tâm lý tập thể.
– Tâm lý của mỗi tập thể cụ thể là biểu hiện của tâm lý xã hội, bởi vì tập thể là một tế bào của xã hội. Nó là biểu hiện của đời sống tinh thần của một liên hiệp người cụ thể, trong những điều kiện xã hội – lịch sử nhất định. Sự tác động qua lại biện chứng giữa tâm lý xã hội và tâm lý của tập thể là: Trong tâm lý của mỗi tập thể cụ thể đều phản ánh những điều kiện sống chung (vật chất và tỉnh thần) của giai cấp, tầng lớp, của xã hội nói chung cũng như những điều kiện sống và hoạt động riêng (khách quan và chủ quan) của tập thể và những đặc điểm của nó.