Giáo Trình Bồi Dưỡng Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học – Học Phần 2 Lưu VIP

Giáo Trình Bồi Dưỡng Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học – Học Phần 2

Danh mục: Người đăng: Lâm Gia Mộc Nhà xuất bản: Tác giả: Ngôn ngữ: Tiếng Việt Định dạng: Lượt xem: 12 lượt Lượt tải: 0 lượt

Nội dung

Giới thiệu giáo trình ” Giáo Trình Bồi Dưỡng Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học – Học Phần 2 “

NỘI DUNG

1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ QUẢN LÝ

1. Khái quát chung về quản lý

1.1. Định nghĩa chung về quản lý

Quản lý là một chức năng lao động xã hội bắt nguồn từ tính chất xã hội của lao động. Theo nghĩa rộng, quản lý là hoạt động có mục đích của con người. Cho đến nay, về cơ bản mọi người đều cho rằng: Quản lý chính là các hoạt động do một hoặc nhiều người điều phối hoạt động của những người khác nhằm thu được kết quả mong muốn.

Có nhiều góc độ xem xét quản lý.

– Góc độ chung nhất: Quản lý là vạch ra mục tiêu cho một bộ máy, lựa chọn phương tiện, điều kiện tác động tới bộ máy để đạt tới mục tiêu.

Góc độ kinh tế: Quản lý là tính toán, sử dụng hợp lý các nguồn lực nhằm đạt tới mục tiêu đã đề ra.

Như vậy quản lý bao gồm các thành phần: Chủ thể quản lý và các tác động quản lý, mục tiêu quản lý, đối tượng quản lý.

Có thể xem xét quản lý dưới hai góc độ: Góc độ tổng hợp mang tính chất chính trị xã hội và góc độ mang tính chất hành động.

a) Theo góc độ chính trị xã hội:

Quản lý là sự kết hợp giữa tri thức với lao động. Sự phát triển xã hội loài người từ thời kỳ mông muội đến thời kỳ hiện đại bao giờ cũng có ba yếu tố: Tri thức, sức lao động, quản lý. Trong đó quản lý là sự kết hợp giữa tri thức và lao động, xã hội phát triển như thế nào phụ thuộc vào sự kết hợp này. Để vận hành sự kết hợp này cần có một cơ chế quản lý phù hợp. Quản lý được xem là tổ hợp các cách thức, phương pháp tác động vào đối tượng để phát huy khả năng của đối tượng nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội.

b) Theo góc độ hành động:

Quản lý là quá trình điều khiển – chủ thể quản lý điều khiển đối tượng quản lý để đạt tới mục tiêu đã đặt ra, có ba loại đối tượng:

Các vật hữu sinh: Tác động vào chúng tạo ra các nguồn lợi phục vụ cho con người.

– Các vật vô tri vô giác: Bắt chúng phục vụ cho con người.

Con người: Tổ chức điều khiển con người, đưa con người vào các bộ máy quản lý bằng các qui định, qui ước… đẩy mạnh sản xuất xã hội nâng cao đời sống con người.

Từ đó ta có định nghĩa: Quản lý là sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý để chỉ huy, điều khiển hướng dẫn các quá trình xã hội, hành vi hoạt động của con người nhằm đạt tới mục đích, đúng với ý chí nhà quản lý, phù hợp với qui luật khách quan.

1.2. Đối tượng của quản lý

– Trong sinh học: Đó là thiên nhiên, môi trường, vật nuôi, cây trồng và các điều kiện tự nhiên khác.

Kỹ thuật: Điều khiển các phương tiện kỹ thuật, bảo quản chúng để chúng phục vụ tối đa các nhu cầu của con người.

– Con người xã hội: Là đối tượng chủ yếu của quản lý vì con người sử dụng các tài nguyên, các trang thiết bị kỹ thuật, đồng thời là chủ thể của xã hội loài người.

2. Những yếu tố cơ bản của quản lý

Trong công tác quản lý, có rất nhiều yếu tố tác động, nhưng đặc biệt có 5 yếu tố chủ yếu sau đây là nổi bật:

2.1. Yếu tố xã hội tức là yếu tố con người

Con người vừa là mục đích, vừa là động lực và lực lượng của quá trình phát triển xã hội; cũng tức là mục đích của hoạt động quản lý. Khi nói đến con người, khoa học quản lý coi nó như nguồn lực cơ bản, cần được phân tích trên cơ sở những tiêu chí được xác định:

– Cơ cấu giai cấp.

– Cơ cấu dân tộc.

– Cơ cấu giới tính.

– Cơ cấu lứa tuổi.

Cơ cấu học vấn, ngành nghề…

Trong những tiêu chí này, giới tính ngày càng được các nhà khoa học quản lý quan tâm trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và dường như nó được tính đến trong tất cả các tiêu chí khác. Có thể khẳng định rằng khi nói đến con người, nói đến nguồn lực và các nhân tố xã hội, nếu không phân tích cơ cấu giới tính, lứa tuổi thì coi như nhà quản lý đã xa lạc mất mục đích và đối tượng quản lý, tức là nói quản lý mà không quản lý.

2.2. Yếu tố chính trị

Chính trị là định hướng của quản lý. Ý chí của giai cấp thống trị được thể hiện tập trung ở các đảng chính trị. Trong xã hội hiện đại, bất cứ Nhà nước nào cũng đều thuộc đảng chính trị này hay đảng chính trị khác lãnh đạo tùy tình hình lịch sử của nước đó. Ở Việt Nam, điều 4 của Hiến pháp năm 1992 đã ghi “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội quân tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Trong toàn bộ hoạt động quản lý Nhà nước ta hiện nay đều “phải vận dụng sáng tạo và tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng của Lênin về chính sách kinh tế mới, về chủ nghĩa tư bản Nhà nước, sáng tạo nhiều hình thức quá độ, những nấc thang trung gian, đa dạng, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể để đưa đất nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc” (Nghị quyết Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam).

Tải tài liệu

1.

Giáo Trình Bồi Dưỡng Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học – Học Phần 2

.pdf
6.75 MB