Giới thiệu giáo trình ” Các Hệ Thống Thông Tin Quản Lý “
1.2. Giao lưu thông tin và lịch sử phát triển của kỹ thuật truyền tin
Thông tin tiềm tàng khắp nơi trong xã hội. Đó là các nguồn thông tin về lao động, đất đai, tài nguyên, môi trường; thông tin về các tổ chức và các hoạt động kinh tế, xã hội; thông tin về khoa học và công nghệ; thông tin về sản xuất, kinh doanh v.v… Nhưng thông tin chỉ có giá trị và ý nghĩa khi nó được truyền đi, phổ biến và được sử dụng.
Có thể nói bản chất của thông tin nằm trong sự giao lưu của nó.
Để phân biệt nội dung thông tin cần truyền đi và cách thức chuyển giao thông tin người ta tách nội dung thông tin ra khỏi hình thức biểu diễn nó. Các hình thức biểu diễn thông tin (các ký hiệu, dấu hiệu, hình ảnh…) là hữu hạn nhưng nội dung của thông tin (khái niệm, ý tưởng, sự kiện, tên v.v…) thì vô hạn. Trong trường hợp thông tin có một hình thức biểu diễn, quá trình chuyển giao thông tin chính là quá trình truyền các ký hiệu biểu diễn nó. Những ý tưởng mới sẽ được truyền đi bằng một tổ hợp mới của một số hữu hạn các ký hiệu (chữ cái, chữ số…). Trong đời sống hàng ngày thông tin được biểu diễn bằng ngôn ngữ. Khi đó thông tin được diễn tả bằng cú pháp và ngữ nghĩa của ngôn ngữ mà người ta sử dụng.
Bản chất của thông tin nằm trong sự giao lưu của nó. Do đó lịch sử phát triển của thông tin gắn liền với lịch sử phát triển của kỹ thuật truyền tin.
Tiếng nói
Tiếng nói hay ngôn ngữ nói đóng vai trò nền tảng trong truyền thông xã hội. Đó là phương tiện truyền tin thô sơ nhất, nó không lưu giữ được thông tin theo thời gian và khả năng truyền rất hạn chế trong không gian. Tuy nhiên loài người đã tồn tại rất lâu nhờ phương thức truyền tin này.
Các nhà ngôn ngữ học đếm thấy có khoảng ba ngàn ngôn ngữ nói ngày nay (bốn ngàn ngôn ngữ khác đã biến mất) và khoảng một vài trăm trong số đó được thực sự ghi lại nhờ chữ viết. Sự phát triển của ngôn ngữ là tiêu chí đánh giá sự phát triển và trình độ văn minh của một bộ tộc. Sự phong phú của tiếng Việt nói lên truyền thống văn hiến lâu đời của người Việt.
Theo cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếng Việt của của chúng ta rất giàu, rất đẹp. ” Chính cái giàu đẹp đó làm nên cái chất, giá trị, bản sắc, tỉnh hoa của tiếng Việt, kết quả của cả một quá trình và biết bao công sức dồi mài”. Để minh hoạ cho nhận định đó, Ông đã lấy ví dụ một câu ca dao:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi? và một câu thơ trong truyện Kiều:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.
rồi bình luận: ” Đó là những câu rất hay, là hai hòn ngọc. Một là hòn ngọc hãy còn mộc mạc của dân gian, và một hòn ngọc đã qua tay của người thợ thiên tài”.
Chữ viết
Chữ viết hay văn tự, là kỹ thuật ghi lại ngôn ngữ nói, đó là một thứ kỹ thuật cách mạng. Nhờ đó người ta có thể ghi lại được các thông tin.
Lịch sử phát minh ra văn tự diễn ra hai đợt nối tiếp nhau, ứng với hai phương thức văn tự khác nhau về hình thái:
Văn tự tượng hình: ra đời tại Mesopotamie (một miền đất ở Tây Á giữa hai con sông Tigre và Euphrate) khoảng 4000 năm trước Công nguyên, thoạt đầu mang tính thuẩn túy tượng hình, rồi dần dần mang tính trừu tượng hơn. Trong ngôn ngữ tượng hình, mỗi biểu tượng có thể diễn tả trọn vẹn một khái niệm. Các biểu tượng này trải qua nhiều thay đổi về hình dạng khiến sự tương đồng giữa chúng và các đối tượng mà nó thay thế dần dần mất đi, nhưng ý nghĩa của chúng thì ngày càng rõ ràng hơn. Các biểu tượng này được gọi là mẫu tự. Ngôn ngữ càng phát triển thì mẫu tự ngày càng nhiều. Hệ thống chữ tượng hình của Trung Quốc ngày nay có đến trên 50 000 mẫu tự.
Chữ tượng hình ngày nay được sử dụng ở các nước Bắc Phi, Trung Cận Đông, Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á… Việt Nam là trường hợp hiếm hoi ở Đông Nam Á dùng hệ thống chữ cái La tỉnh để ghi lại tiếng Việt. Đó là do nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha A. de Rhodes sáng tạo ra vào giữa thế kỷ XVII, nhằm phục vụ cho việc truyền giáo. Cuốn từ điển Việt – Bồ – La của A. de Rhodes xuất bản lần đầu tiên vào năm 1651.
Văn tự chữ cái: Trong quá trình phát triển của ngôn ngữ viết, đến một lúc phương pháp biểu diễn đã thay đổi từ tượng hình sang tượng thanh, mà ở đó âm thanh nói được biểu diễn bằng một bộ chữ cái bao gồm các ký hiệu đồ họa. Các tổ hợp khác nhau của một bộ phận các ký hiệu này có thể thay thế cho những khái niệm phức hợp hơn như các từ, các câu. Vân tự chữ cái bắt nguồn từ người Pheniciens (cư trú ở vùng đất Syri ngày nay) vào khoảng từ 2000 đến 1000 năm trước Công nguyên, rồi dần hình thành ở Hy Lạp vào những năm 800 đến 600 trước Công nguyên. Hệ thống mẫu tự Hy Lạp là sự khởi đầu của mẫu tự La tinh mà sau này được dùng làm cơ sở chung cho tất cả các hệ thống chữ viết ở phương Tây.