Giới thiệu giáo trình ” Đánh Giá Tài Nguyên Nước Việt Nam “
1.4. ẢNH HƯỞNG CỦA ĐIỀU KIỆN ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN TỚI TÀI NGUYÊN NƯỚC LÃNH THỔ
1.4.1. Vị trí địa lý
Ảnh hưởng này được thể hiện ở vị trí địa lý của lưu vực cách xa đại dương và biển là nơi cung cấp nguồn hơi ẩm cho không khí và vùng ta xét thuộc vùng nào, đới nào trên lục địa. Nói chung, càng xa đại dương và biển thì lượng mưa càng giảm dần. Vùng sâu trong lục địa như sa mạc Sahara có lượng mưa rất ít.
Ở vùng nhiệt đới, tính chất mưa khác hẳn vùng ôn đới. Mưa ở vùng nhiệt đới phần lớn là mưa rào, có cường độ lớn, diễn biến phức tạp không theo quy luật rõ rệt. Mưa vùng ôn đới có quy luật hơn. Ở nước ta mưa từ Bắc vào Nam cũng mang tính chất khác nhau. Miền Bắc và miền Trung có chế độ mưa phức tạp, không có quy luật rõ ràng như ở Nam Bộ, Đồng Tháp Mười.
1.4.2. Địa hình
Ảnh hưởng của địa hình đến mưa : thể hiện qua hướng của địa hình, độ cao của địa hình và độ dốc. Ở sườn núi có hướng đón gió mang hơi ẩm từ biển vào thì có mưa lớn. Ví dụ, vào đầu mùa hè, gió mùa Tây Nam thổi từ vịnh Bengan vào phía Tây Trường Sơn gây mưa lớn ở Lào. Ngược lại, ở Đông Trường Sơn, từ Thanh Hoá đến Bình Trị Thiên có gió Lào khô nóng gây nên hiện tượng “fơn” và mưa nhỏ.
Điều đáng chú ý là sự chênh lệch lượng mưa ở phía hướng đón gió và khuất gió cũng phụ thuộc vào độ cao dịa hình. Càng lên cao chênh lệch càng giảm. Ví dụ, ở sát chân núi Ba Vì chênh lệch lượng mưa là 250mm nhưng lên cao chỉ còn 100mm.
Độ cao ảnh hưởng đến mưa ở chỗ càng lên cao mưa càng tăng. Tuy vậy, khi tăng đến một độ cao nào đó thì lượng mưa không tăng nữa vì hơi ẩm của khối không khí do mây mang đi đã giảm.
Ví dụ, ở Ba Vì sự biến thiên lượng mưa năm theo độ cao là 60mm/100mm, ở Tam Đảo cao hơn Ba Vì, độ biến thiên của lượng mưa năm là 127mm/100mm.
Theo kết quả nghiên cứu của N.X.Nexterov, ảnh hưởng của độ cao địa hình đến mưa trong những vùng khí hậu khác nhau cũng khác nhau. Ở Việt Nam, Nguyễn Văn Tuân khi nghiên cứu ảnh hưởng của độ cao sườn đông Trường Sơn cũng cho kết quả nghiên cứu tương tự (bảng 1.3)
Ảnh hưởng của độ dốc trong quá trình thuỷ văn thể hiện ở quá trình tập trung nước. Địa hình càng dốc, sự tập trung nước càng nhanh, kết hợp với mưa lớn là điều kiện thuận lợi hình thành lũ lụt và lũ quét.
1.4.3. Địa chất và thổ nhưỡng
Nhóm nhân tố địa chất và thổ nhưỡng có tầm ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành dòng chảy. Thành phần đất đá, cấu tạo địa chất có ý nghĩa lớn trong việc đánh giá trữ lượng nước ngắm và nguồn gốc, chất lượng nước trong sông. Hiện tượng karst dẫn đến thay đổi tài nguyên nước lưu vực tuỳ theo cấu tạo địa chất của vùng.
Thành phần cơ giới của đất, bề dày lớp thổ nhưỡng, các đặc tính vật lý của đất chỉ phối mạnh mẽ sự hình thành dòng chảy mặt, là yếu tố cơ bản để xây dựng quá trình thấm – một quá trình quan trọng trong các bài toán thuỷ văn.
Khi xây dựng hồ chứa, tưới tiêu hoặc trong các bài toán quy hoạch, sử dụng đất trong cân bằng nước tổng thể không thể bỏ qua ảnh hưởng này.
1.4.4. Thảm thực vật
Ảnh hưởng của rừng đến mưa biểu hiện ở chỗ rừng làm tăng độ nhám bề mặt lưu vực, cản trở chuyển động của luồng không khí theo hướng nằm ngang, làm cho khối không khí chuyển động chậm lại và có chiều hướng đi lên gây nên hiện tượng ngưng tụ và gây mưa. Mặt khác, rừng làm tăng độ ẩm cho lưu vực, có lợi cho sinh dòng chảy. Rừng giữ nước mưa lại trong các tán lá rừng, làm cho nước mưa không rơi xuống mặt đất. Như vậy, ở chỗ có tán lá rừng lượng mưa rơi xuống mặt đất ít hơn so với nơi không có rừng. Theo số liệu của A.A.Letseva mưa bị giữ lại ở tán rừng tùng bách 35-37%, rừng thông 27 – 29%. Trên cơ sở tổng hợp nhiều tài liệu nghiên cứu ảnh hưởng của thực vật đến lượng mưa do được bằng thùng do mưa, P.P.Kuzomin thành lập tương quan sau đây (tính theo %)
1.4.5. Khí hậu
a) Bức xạ
Nguồn năng lượng bức xạ mặt trời là nguồn nhiệt chủ yếu tạo nên nhiệt độ không khí. Hàng năm, tổng năng lượng mặt trời đi đến ranh giới của khí quyển là 250 kcal/cm² (bằng 100%). Nguồn năng lượng này được tiêu hao vào đốt nóng trực tiếp không khí là 35 kcal/cm²/năm (14%), dùng để đốt nóng bề mặt Trái Đất là 110 kcal/cm²/năm (44%) và 105 kcal/cm²/năm (58%) bức xạ trở lại không trung.
Trong hơn 100 kcal/cm²/năm mà Trái Đất nhận được thì 46 kcal/cm²/năm tiêu hao do bốc hơi và lượng nhiệt này về sau lại toả ra trong không khí khi ngưng tụ hơi nước. 2 Ngoài ra, khí quyển còn nhận được từ Trái Đất một lượng nhiệt 14 kcal/cm²/năm bằng truyền nhiệt do chuyển động rối. Khí quyển đã nhận từ Trái Đất một lượng bức xạ lớn hơn trực xạ trực tiếp của Mặt Trời 72%. Bề mặt Trái Đất tiêu thụ lượng nhiệt dưới hình thức như thế được gọi là bức xạ hữu hiệu. Lượng bức xạ hữu hiệu này là 50 kcal/cm²/năm.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Đức Ngữ và Nguyễn Trọng Hiệu, Việt Nam là một vùng nhiệt đới, lượng bức xạ tổng cộng thực tế hàng năm của 17 vùng khí hậu khác nhau và biến thiên từ 110 – 130 kcal/cm²/năm. Lượng bức xạ mặt trời là nguyên nhân tạo nên nhiệt độ không khí và đất dẫn đến tâng bốc hơi và gián tiếp ảnh hưởng tới tài nguyên nước.