Giới thiệu giáo trình ” Quản Trị Học – Học Liệu Số Ebooks PDF ”
ĐẠI CƯƠNG VỀ QUẢN TRỊ
1.1. QUẢN TRỊ LÀ GÌ?
1.1.1. Khái niệm về quản trị
Về nội dung, thuật ngữ “Quản trị” là một danh từ khó định nghĩa. Mỗi một tác giả khi đề cập đến quản trị đều có một định nghĩa của riêng mình.
Từ quản trị – Management được dịch từ tiếng Anh, do đó có nơi, có lúc có người gọi là quản lý, có người gọi là quản trị. Tuy nhiên, thuật ngữ quản lý và quản trị hiện vẫn được dùng trong những hoàn cảnh khác nhau để nói lên những nội dung khác nhau, về cơ bản hai từ này đều chỉ một nội dung giống nhau, tương tự như trong tiếng Anh management và administration.
Koontz và O’Donnell trong giáo trình “Những vấn đề cốt yếu của quản lý” định nghĩa:
“Có lẽ không có lĩnh vực hoạt động nào của con người quan trọng hơn là công việc quản lý, bởi vì mọi nhà quản trị ở mọi cấp độ và trong mọi cơ sở đều có một nhiệm vụ cơ bản là thiết kế và duy trì một môi trường mà trong đó các cá nhân làm việc với nhau trong các nhóm có thể hoàn thành các nhiệm vụ và các mục tiêu đã định” (¹). /
James H.Donnelly, JR., James L.Gibson và John M.Ivancevich trong giáo trình “ Quản trị học căn bản” lại cho rằng, “Quản trị là một quá trình do một hay nhiều người thực hiện, nhằm phối hợp các hoạt động của những người khác để đạt được những kết quả mà một người hành động riêng rẽ không thể nào đạt được”(2)
Stoner và Robbins lại cho rằng: Quản trị là một tiến trình bao gồm việc hoạch định, tổ chức, quản trị con người, và kiểm tra các hoạt động trong một đơn vị, một cách có hệ thống, nhằm hoàn thành mục tiêu của đơn vị đó.
Lý thuyết hành vi (Behaviourism) lại định nghĩa “Quản trị là hoàn thành công việc thông qua con người”.
Nói một cách tổng quát, quản trị là hoạt động cần thiết phải được thực hiện khi con người kết hợp với nhau trong các tổ chức nhằm đạt được những mục tiêu chung.
Rõ ràng với định nghĩa trên, chúng ta muốn xác định:
Đây là một ngành học cần thiết cho con người khi kết hợp với nhau cùng làm việc trong tập thể. Nếu mỗi cá nhân tự mình hoạt động, sống một mình không liên hệ với ai thì không cần đến hoạt động quản trị.
Khi con người hợp tác lại với nhau trong một tập thể cùng nhau làm việc, nếu biết quản trị thì triển vọng và kết quả sẽ cao hơn, chi phí sẽ ít hơn. Trong hoạt động kinh tế, nhất là trong nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh gay gắt, người ta phải tìm cách hạn chế chi phí và gia tăng kết quả, tức là phải luôn luôn tìm cách gia tăng hiệu quả. Các hoạt động quản trị là cần thiết vì sẽ giúp gia tăng hiệu quả. Có thể nói rằng lý do tồn tại của các hoạt động quản trị chính là hiệu quả và chỉ khi nào người ta quan tâm đến hiệu quả thì người ta mới thực sự quan tâm đến hoạt động quản trị.
Hoạt động quản trị là để cùng làm việc vì mục tiêu chung. Mục tiêu đó có thể là kinh tế, giáo dục, y tế hay xã hội và các tập thể đó có thể là một cơ sở sản xuất, một công ty kinh doanh xuất nhập khẩu, hoặc một cơ quan Nhà nước làm công việc hành chính, v.v…
Như vậy, về căn bản mục tiêu để quản trị trong các cơ sở kinh doanh và phi kinh doanh là như nhau. Cũng giống như ở mọi cấp: Chủ tịch Công ty, Giám đốc Sở công an, Trưởng khoa ở các trường Đại học, ông Giám mục xứ họ đạo… tất cả họ với tư cách là các nhà quản trị đều có cùng một loại mục tiêu. Các mục đích của họ có thể khác nhau, và mục đích ấy có thể khó xác định và khó hoàn thành hơn với tình huống này so với tình huống khác, nhưng mục tiêu quản trị vẫn như nhau.
Khác với công việc quản trị cụ thể, Quản trị học lại là khoa học nghiên cứu, phân tích về công việc quản trị trong tổ chức, tức là tìm ra và sử dụng các quy luật trong các hoạt động quản trị để duy trì và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức hoạt động có hiệu quả. Mặt khác, chúng ta biết rằng, trong quá trình quản trị con người hoạt động trong những mối liên hệ nhất định với nhau. Như vậy, nghiên cứu quản trị cũng có nghĩa là nghiên cứu quan hệ giữa người với người trong quá trình đó, tìm ra tính quy luật hình thành quan hệ quản trị. Nói cách khác, quản trị học là khoa học nghiên cứu, phân tích về công việc quản trị trong tổ chức, tổng kết hóa các kinh nghiệm tốt thành nguyên tắc và lý thuyết có thể áp dụng cho các tình huống quản trị tương tự. Mục tiêu của quản trị học là nhằm giúp chúng ta có những kiến thức và kỹ thuật cần thiết để gia tăng hiệu quả trong các hoạt động tập thể, kinh doanh hoặc không kinh doanh.